Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

Một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế



Luật Quản lý thuế (QLT) số 78/2006/QH11 ra đời được hơn 4 năm, được đánh giá là có vai trò quan trọng trong điều hành chính sách thuế, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật QLT, đã phát sinh nhiều bất cập, vướng mắc, không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, mà còn hạn chế tính hiệu quả của công tác QLT. Do vậy, Bộ Tài chính đã có đề xuất sửa đổi, bổ sung để đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện hiện đại hoá công tác QLT, phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng với điều kiện thực tiễn Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Ngày 20/02/1012, Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo để thông báo về một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Luật QLT. Theo đó, dự kiến sửa đổi, bổ sung 31 điều liên quan đến ba nhóm vấn đề với 20 nội dung chính, bao gồm:

- Nhóm vấn đề về đơn giản hoá thủ tục hành chính thuế;

- Nhóm vấn đề về phục vụ mục tiêu cải cách - hiện đại hoá và hội nhập, phù hợp thông lệ quốc tế

- Nhóm vấn đề về nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế để phù hợp với các văn bản pháp luật có liên quan.

Nghị quyết số 25/NQ-CP của Chính phủ ra đời với mục tiêu thúc đẩy thực hiện Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính, đã đưa ra những yêu cầu mới nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc kê khai và nộp thuế. Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật QLT lần này chính là việc thể chế hoá Nghị quyết số 25/NQ-CP và Nghị quyết số 68/NQQ-CP của Chính phủ vào lĩnh vực QLT.

Trong Nghị quyết số 25/NQ-CP yêu cầu cho phép doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ, cá nhân kinh doanh được giảm tần suất kê khai từ 12 lần/năm xuống còn 4 lần/năm đối với người nộp thuế quy mô vừa (bao gồm doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ, cá nhân kinh doanh) được kê khai thuế GTGT 3 tháng/lần, các doanh nghiệp lớn kê khai thuế GTGT 01 tháng/lần. Theo quy định của Luật QLT hiện hành, chỉ quy định kê khai theo tháng, theo năm hoặc theo từng lần phát sinh, chưa có quy định khai theo quý và nội dung này sẽ được sửa đổi. Tương tự, về thời gian giải quyết thủ tục hoàn thuế, Nghị quyết số 25/NQ-CP yêu cầu rút ngắn thời hạn giải quyết đối với trường hợp “hoàn thuế trước, kiểm tra sau” từ 15 ngày làm việc xuống còn 6 ngày làm việc; trường hợp “kiểm tra trước, hoàn thuế sau” từ 60 ngày xuống còn 40 ngày. Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục gia hạn nộp hồ sơ khai thuế từ 5 ngày làm việc xuống còn 3 ngày làm việc.

Ngoài ra, điều chỉnh cơ chế giải quyết hồ sơ hoàn thuế theo nguyên tắc quản lý rủi ro, tạo thuận lợi hoàn thuế nhanh theo kê khai của doanh nghiệp và thu hẹp diện phân loại hồ sơ “kiểm tra trước, hoàn thuế sau” để tăng tính tự giác và trách nhiệm của doanh nghiệp.

Một số nội dung khác trong dự thảo luật QLT lần này cũng được sửa đổi để phục vụ các nội dung, phục vụ mục tiêu cải cách - hiện đại hoá và hội nhập, phù hợp thông lệ quốc tế, điển hình là việc bổ sung cơ chế thoả thuận trước về phương pháp xác định giá (APA) trong chống chuyển giá. Cụ thể, bổ sung nguyên tắc quản lý rủi ro trong công tác quản lý thuế làm cơ sở cho việc áp dụng thống nhất các kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý thuế tiên tiến để thực hiện phân loại, phân khúc người nộp thuế theo các tiêu thức về chấp hành pháp luật, từ đó có biện pháp ưu tiên trong thực hiện thủ tục hành chính thuế đối với người nộp thuế, giúp cho người nộp thuế chấp hành tốt hơn cơ chế tự tính, tự khai, tự nộp thuế và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Dự thảo Luật QLT còn bổ sung quy định về cơ chế phân lọai mã số, xác định trị giá, xác định xuất xứ hàng hóa trước khi làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu. Tương tự, trong lĩnh vực Hải quan, Công ước Kyoto khuyến nghị cơ quan hải quan phải có cơ chế phán quyết trước về thuế cho phép các doanh nghiệp xuất nhập khẩu được áp dụng cơ chế xác định trước về thủ tục xuất nhập khẩu (bao gồm áp mã phân loại hàng hoá (mã HS), giá tính thuế, xuất xứ hàng hoá) để đảm bảo sự thống nhất trong thương mại quốc tế. Cơ chế này tạo điều kiện cho cơ quan hải quan tăng hiệu quả quản lý; giảm tranh chấp giữa doanh nghiệp và cơ quan hải quan.

Ngoài ra, dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật QLT còn có một số nội dung đáng chú ý khác là việc xử lý các vi phạm pháp luật về thuế sẽ được thắt chặt hơn trước như thu hẹp phạm vi áp dụng thời gian ân hạn nộp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; gia hạn nộp thuế, bổ sung quy định nộp dần tiền thuế đối với trường hợp nộp thuế không có khả năng nộp đủ tiền thuế một lần; Sửa đổi các nội dung về quản lý thuế (thời hạn khai, nộp thuế và công tác thanh tra thuế) để đồng bộ với các Luật khác như Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và Luật Thanh tra;....

Hy vọng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật QLT lần này sẽ sớm được Chính phủ, Quốc hội thông qua góp phần trong công cuộc cải cách thủ tục hành chính thuế. Mặt khác, những nội dung sửa đổi, bổ sung sẽ giúp ngành thuế có thêm sự động viên, khích lệ để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách hàng năm đạt hiệu quả, giúp người nộp thuế giảm bớt thủ tục trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. /.



Nguồn : gdt.gov.vn

Blog mang tính chất chia sẻ thông tin của tổng cục thuế. copy bài đã để lại nguồn.
Bài copy đã có chỉnh sửa cho phù hợp với blog, nội dung vẫn như cũ





Kế toán 247 - Kế toán Hà Nội
Công ty CP nghiên cứu và hỗ trợ Doanh Nghiệp Hà Nội
Cung cấp dịch vụ kế toán thuế - Đào tạo kế toán tổng hợp thực tế
trung tâm kế toán tphcm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài Xem Nhiều Nhất

Lưu trữ Blog

^ Back to Top
1
Bạn cần hỗ trợ?