Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

Bộ Tài chính tổ chức họp báo thường kỳ Quý II/2013



Sáng ngày 19/7, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo thường kỳ Quý II/2013 nhằm thông tin cho báo chí tình hình thực hiện chương trình công tác 6 tháng đầu năm và triển khai thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2013. Tham dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và đại diện phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh chủ trì buổi họp báo.



Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh chủ trì buổi họp báo

Tại buổi họp báo, đồng chí Nguyễn Đức Chi, Chánh Văn phòng Bộ Tài chính đã trình bày báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm 2013 của Bộ Tài chính và triển khai thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2013. Trong đó nêu rõ, trong 6 tháng đầu năm 2013, kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa ổn định và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ở trong nước, kinh tế - xã hội có chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả nhất định. Lạm phát tiếp tục được kiềm chế, dự trữ ngoại hối tăng, tỷ giá ngoại tệ tương đối ổn định; xuất khẩu tăng trưởng khá, nhập khẩu thiết bị, vật tư phụ vụ sản xuất bắt đầu tăng trở lại; các chính sách an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm và triển khai kịp thời… Tuy nhiên, toàn ngành Tài chính luôn tích cực triển khai giải pháp theo Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/ NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ. Bám sát các Nghị quyết và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có Quyết định số 128/QĐ-BTC ngày 17/1/2013 về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó đã cụ thể hóa 37 nhiệm vụ Bộ Tài chính chủ trì và 52 nhiệm vụ Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành chức năng; đồng thời thường xuyên kiểm điểm, đánh giá và quyết liệt chỉ đạo, điều hành...

Về công tác thu, chi NSNN 6 tháng đầu năm 2013, thu NSNN ước đạt 356.520 tỷ đồng, đạt 43,7% dự toán, tăng 4,5% mức thực hiện cùng kỳ năm 2012; Chi NSNN ước đạt 448.910 tỷ đồng, bằng 45,9% dự toán, tăng 7,5% so với cùng kỳ; Bội chi NSNN 6 tháng đầu năm ước 92.390 tỷ đồng, bằng 57% mức bội chi Quốc hội quyết định đầu năm; Tính đến ngày 25/6/2013, đã tổ chức huy động được 120,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, đạt 61,8% nhiệm vụ huy động vốn năm 2013.

Báo cáo cũng nêu rõ, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) ước 6 tháng đầu năm chỉ đạt 4,9%; hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Chính điều này tác động trực tiếp đến việc thực hiện các chỉ tiêu tài chính - ngân sách năm 2013. Chính vì vậy, để đảm bảo giữ vững an ninh tài chính, cân đối NSNN mang tính khả thi trong điều kiện giảm thu lớn do nhiều nguyên nhân, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương một số nội dung như: Trước mắt dừng ban hành các chính sách làm giảm thu NSNN. Giao Bộ Tài chính chủ động điều chỉnh kịp thời thuế suất thuế nhập khẩu, ưu tiên giữ thuế để đảm bảo thu ngân sách; Hạn chế thấp nhất việc ban hành các chế độ, chính sách làm tăng chi NSNN; chỉ đạo các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương sớm rà soát để loại bỏ các chính sách, chế độ không phù hợp; Hạn chế việc ứng vốn các dự án đầu tư do khó khăn về cân đối ngân sách và huy động vốn; Thực hiện nghiêm túc, quyết liệt Chỉ thị số 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Điều hành ngân sách chủ động, tích cực phù hợp với khả năng thu ngân sách, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp. Thực hiện nguyên tắc chia sẻ khó khăn giữa NSTW và NSĐP, các địa phương chủ động phấn đấu tăng thu và thu hồi nợ đọng để bù vào phần giảm thu do miễn, giảm, giãn thuế và các nguyên nhân khách quan khác...

Cũng trong buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh và đại diện các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính đã trả lời câu hỏi của báo chí về một số vấn đề mà dư luận đang quan tâm. Trong đó có một số vấn đề về lộ trình tăng học phí, viện phí; Có hay không việc chuyển học phí, viện phí thành giá dịch vụ. Hay điều chỉnh viện phí do quỹ bảo hiểm y tế bị vỡ, gian lận trong thanh toán viện phí; Giải quyết hàng tồn kho và đầu tư xây dựng cơ bản....


Nhấn mạnh thêm về vấn đề Bảo hiểm nông nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh khẳng định không dừng thí điểm bảo hiểm nông nghiệp nhưng qua thực tiễn thí điểm kết quả tương đối tốt, đề nghị đưa ra đại trà. Tuy nhiên vẫn cần có những phản hồi thực tế, thảo luận…


Trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề bảo hiểm nông nghiệp, ông Phùng Ngọc Khánh - Phó cục trưởng cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cho biết, theo Nghị định số 35/NĐ-CP, các hợp đồng đã ký kết mà có hồ sơ đầy đủ theo quy định thì sẽ được bồi thường thỏa đáng, tuy nhiên, trong quá trình triển khai có một số trường hợp bồi thường chưa kịp thời do những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó các hồ sơ được bồi thường kịp thời phải đáp ứng được yêu cầu phân loại, xác định nguyên nhân mức độ tổn thất… Theo đó, bồi thường hay không phải phù hợp với quy định của hợp đồng. Từ đầu năm 2013, Bộ Tài chính đã có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bồi thường, phù hợp với quy định và pháp luật của Nhà nước. Theo ông Khánh, bảo hiểm nông nghiệp vẫn đang tiếp tục triển khai rộng rãi, do đó Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chủ trì và phối hợp với các địa phương triển khai chương trình và có báo cáo Chính phủ cụ thể về vấn đề này.



Trả lời câu hỏi giá xăng dầu trong 2 tháng có liên tiếp 3 lần tăng giá chu kỳ đều dưới 30 ngày, thậm chí có cách 14 ngày, thời gian sắp tới điều chỉnh xăng dầu giảm xuống không? Bình ổn giá, sau khi giá xăng dầu điều chỉnh nhiều DN bình ổn giá, trong cuối năm Bộ có điều chỉnh thế nào? CPI cuối năm? Ông Nguyễn Anh Tuấn Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: hiện nay, giá cơ sở tính bình quân 30 ngày chứ không phải điều chỉnh, tăng giá tần suất tối thiểu 10 ngày mới được điều chỉnh tăng, còn giảm khi giảm thì DN giảm giá, tối thiểu 10 ngày không giảm cơ quan chức năng yêu cầu. 6 tháng đầu năm 2013, CPI là 2,4%, mục tiêu Chính phủ đề ra năm 2013 là 6,5%, tham mưu bám sát mục tiêu lạm phát này…

Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng khẳng định việc xăng dầu điều chỉnh ngày 17/7 không chỉ điều chỉnh địa bàn Hà Nội mà cả nước và phù hợp với lộ trình. Từ 28/6 Cục Quản lý giá đã theo dõi kỹ và sau khi tiếp nhận báo cáo giá cơ sở do bán lẻ, Bộ Tài chính yêu cầu tiếp tục các DN kiềm chế giá và theo dõi tiếp vì giá xăng dầu biến động lúc tăng lúc giảm. Tuy nhiên, trước áp lực giá xăng dầu thế giới trong thời gian vừa qua diễn biến tăng, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công thương giao cho các DN rà soát điều chỉnh trần tối đa. Như vậy, Bộ đánh giá việc điều chỉnh giá xăng dầu được thực hiện hoàn toàn nghiêm túc, hợp lý bám sát với giá thế giới và qua tham khảo các cơ quan có chức năng dự báo lần tăng giá xăng dầu này có thể làm tăng CPI khoảng 0,1%.

Liên quan đến việc phê duyệt kinh phí phục vụ đề tài nghiên cứu khoa học, theo ông Nguyễn Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp cho biết, nếu kinh phí đề tài làm đúng quy trình thì ngay từ tháng 12 các Bộ ngành địa phương được phê duyệt dự toán kinh phí đề tài theo lộ trình giải ngân kho bạc. Có một số chậm liên quan đến các đề tài cấp Nhà nước, quy trình lệch pha so với quy trình Luật NS, quy định Luật NS trước 31/7 nhưng có đề tài khoảng thời gian đó chưa xong dự toán NS, lúc đó đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua rồi nhưng xử lý bị chậm. Muốn cải tiến phải rút ngắn lại quy trình phê duyệt đề tài….


Liên quan đến tiến độ xử lý thủ tục phân bổ kinh phí phục vụ nghiên cứu các đề tài khoa học, Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh khẳng định Bộ Tài chính luôn lắng nghe phản hồi từ phía các nhà quản lý, nhà khoa học để đưa ra những chính sách mới giảm bớt khâu trung gian để các nhà khoa học có thể tiếp cận được với nguồn đầu tư của Nhà nước trong việc nghiên cứu các đề tài khoa học, đặc biệt là đối với các đề tài khoa học cấp Nhà nước.


Trước đây, trước 2 năm, nếu rút được quy trình này sẽ rút đang kể, nếu thực hiện theo đúng quy trình thẩm định ngân sách chỉ mất 4-5 tháng tối đa. Với các đề tài cấp bách thời sự, có xử lý linh hoạt, ứng trước dự toán. Bộ Tài chính đã phối hợp Bộ KHCN rút kinh nghiệm đẩy nhanh tiến độ, năm 2013 tiến độ đã được rút ngắn, Bộ KHCN gửi 26/5 công văn bổ sung giữa tháng 6/2013 để Bộ Tài chính đã trình Chính phủ…

Trả lời báo chí về vấn đề tăng học phí và viện phí, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cho biết, sau khoảng 17 năm mới điều chỉnh giá dịch vụ y tế cơ bản, việc tăng viện phí nhằm nâng cao chất lượng y tế để mọi người được hưởng chất lượng phục vụ khám chữa bệnh cao. Nếu nâng giá viện phí tiệm cận với giá thị trường thì chất lượng dịch vụ y tế tăng lên và các chính sách bảo hiểm y tế cho người nghèo sẽ tiệm cận ở mức 100%, đối tượng cận nghèo sẽ là 70%... Đối với học phí, theo Thứ trưởng, cần tăng có lộ trình, và đối với người nghèo, chính sách vẫn phải đảm bảo hỗ trợ tiền học phí. Nhà nước sẽ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ với những học sinh, sinh viên nghèo quan đó tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất để các em học tập…



Nguồn : gdt.gov.vn

Blog mang tính chất chia sẻ thông tin của tổng cục thuế. copy bài đã để lại nguồn.
Bài copy đã có chỉnh sửa cho phù hợp với blog, nội dung vẫn như cũ





Kế toán 247 - Kế toán Hà Nội
Công ty CP nghiên cứu và hỗ trợ Doanh Nghiệp Hà Nội
Cung cấp dịch vụ kế toán thuế - Đào tạo kế toán tổng hợp thực tế
trung tâm kế toán tphcm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài Xem Nhiều Nhất

Lưu trữ Blog

^ Back to Top
1
Bạn cần hỗ trợ?