Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Tìm giải pháp chống thất thu thuế cà phê



Ngày 4/7/2013, tại Đà Lạt, Bộ Tài chính phối hợp UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị “Tăng cường các giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh nông sản”. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh Miền Đông Nam Trung Bộ; lãnh đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan; đại diện các cơ quan Thuế, Hải quan và Công an các tỉnh Miền Đông Nam Trung Bộ.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên

Theo Tổng cục Thuế, thời gian qua, hoạt động kinh doanh cà phê có nhiều diễn biến phức tạp, tội phạm mua bán hóa đơn bất hợp pháp để chiếm đoạt thuế GTGT có chiều hướng gia tăng, phương thức hoạt động tinh vi, đa dạng, diễn ra trên diện rộng và có tổ chức. Các doanh nghiệp (DN) “đen” đã dùng thủ đoạn mua bán cà phê không có chứng từ, hóa đơn rồi mua hóa đơn của các DN đã giải thể hoặc DN “ma” ở các tỉnh lân cận để hợp thức hóa chứng từ và khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Tinh vi hơn, các DN thực hiện việc mua bán lòng vòng qua nhiều khâu trung gian, nếu chỉ xác minh qua một hoặc 2 khâu trung gian sẽ không phát hiện được.

Qua công tác quản lý thuế, Tổng cục Thuế thấy rằng thời gian vừa qua công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh nông, lâm, thuỷ, hải sản còn nhiều bất cập, các doanh nghiệp lợi dụng chính sách khấu trừ, hoàn thuế GTGT để chiếm đoạt tiền thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh nông, lâm, thuỷ, hải sản diễn ra khá tinh vi, các doanh nghiệp thực hiện mua, bán hàng hoá qua nhiều khâu trung gian và liên quan đến nhiều địa phương nên nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các địa phương sẽ không phát hiện được các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp. Hiện tượng mua bán hóa đơn cùng với việc thực hiện các giao dịch chuyển tiền lòng vòng hoặc làm giả chứng từ thanh toán để chiếm đoạt tiền thuế GTGT đang diễn ra khá phổ biến đối với nông sản.

Theo ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, tình trạng trốn thuế rất phức tạp, không chỉ thất thu thuế mà lo ngại hơn là DN cà phê Lâm Đồng và Tây Nguyên đang chết dần và nguy cơ phá sản. Vì các DN “đen” trốn được thuế thì sẵn sàng đẩy giá thu mua cà phê cao hơn, DN làm ăn đứng đắn không cạnh tranh nổi. Kéo theo đó là công ăn việc làm và thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng, thị trường rối loạn. Ông Trần Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, hàng năm, số thu thuế từ hoạt đông kinh doanh cà phê của tỉnh chiếm khoảng 30% tổng thu thuế phí trên địa bàn. Dù tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường quản lý tại gốc và xử lý hành vi tội phạm của các DN “đen”, DN “ma”.

Tại Hội nghị, một số đại biểu cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng trốn thuế là do luật pháp còn nhiều kẽ hở. Trong đó, đầu tiên là khâu cấp giấy phép kinh doanh cho DN. Việc cấp phép đơn giản đến mức chỉ cần sử dụng một chứng minh thư giả (hoặc mượn của người dân bình thường, thậm chí của một ông xe ôm) cũng thành lập được DN, khắc được con dấu, trong khi đó, khâu hậu kiểm lại khó thực hiện. Việc cho phép các DN tự kê khai, tự nộp thuế và gần đây là cho phép tự in hóa đơn quá dễ dàng đã tạo kẽ hở cho tội phạm hoạt động. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt và mức xử phạt đối với hành vi buôn bán hóa đơn trái phép chưa đủ sức răn đe, trong khi việc buôn bán hóa đơn mang lại siêu lợi nhuận cho các DN “ma”.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nêu lên các nhóm giải pháp vừa tình thế, vừa lâu dài. Trong đó, đáng chú ý là vấn đề quy định điều kiện thành lập DN, in ấn hóa đơn, xây dựng cơ sở dữ liệu các DN rủi ro để ngành thuế theo dõi, kiểm tra thuế. Theo Thứ trưởng, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế thấy rằng đây là hành vi tội phạm mới, có thủ đoạn khá tinh vi nên trong thời gian vừa qua đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Cục Thuế tăng cường biện pháp quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh cà phê niên vụ 2012-2013. Trong đó tập trung vào một số giải pháp như:

Thứ nhất, chỉ đạo các Cục Thuế các tỉnh, thành phố HCM, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Bình Dương, Gia lai, Lâm Đồng về việc chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cà phê để xác định các hành vi vi phạm về sử dụng hóa đơn; phối hợp với cơ quan công an để kiểm tra, đối chiếu hóa đơn giữa các doanh nghiệp kinh doanh cà phê để xử lý theo quy định.

Thứ hai, đề nghị Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố xác minh tình trạng hoạt động của các doanh nghiệp bán cà phê, xác minh hóa đơn và trả lời cho Cục Thuế các tỉnh Tây nguyên trong vòng 5 ngày làm việc nhằm tạo điều kiện cho các Cục Thuế tỉnh Tây nguyên có đủ thông tin để xử lý kịp thời đối với các trường hợp doanh nghiệp kinh doanh cà phê trên địa bàn sử dụng hóa đơn ngoại tỉnh để kê khai, khấu trừ, hoàn thuế GTGT.

Thứ ba, tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh cà phê trong đó đã nêu ra một số giải pháp cấp bách như tăng cường quản lý từ gốc đối với hoạt động kinh doanh cà phê, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp kinh doanh cà phê và đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan, ban ngành địa phương nhất là cơ quan công an trong quá trình quản lý thu thuế đối với các doanh nghiệp kinh doanh cà phê.

Thứ tư, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có rủi ro về thuế trong đó đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với Cục Thuế tăng cường công tác quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có rủi ro về thuế trên địa bàn.

Thứ năm, chỉ đạo Cục Thuế các tỉnh, thành phố về các giải pháp tăng cường công tác quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có rủi ro về thuế.

Thứ sáu, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 64/2013/TT-BTC ngày 15/5/2013 hướng dẫn về hoá đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ thay thế Thông tư số 153/2010/TT-BTC trong đó đã bổ sung thêm các giải pháp quản lý về in, phát hành hoá đơn đối với các doanh nghiệp mới thành lập.

Thứ bảy, tăng cường công tác phối hợp với UBND tỉnh, các cơ quan chức năng các tỉnh Tây Nguyên và các Cục Thuế liên quan để đánh giá thực trạng và bàn các giải pháp cụ thể để quản lý thuế đối với các doanh nghiệp kinh doanh cà phê.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng đề nghị tăng cường hơn nữa công tác phối hợp chỉ đạo của UBND các tỉnh nhằm kịp thời ngăn chặn tình trạng trốn lậu thuế trong hoạt động kinh doanh cà phê, UBND các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Lăk, Gia Lai. Đồng thời, chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với cơ quan Thuế tăng cường công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh cà phê trên địa bàn.

Thứ trưởng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu trình Chính phủ, Quốc hội đưa mặt hàng nông sản, lâm sản chưa qua chế biến vào danh mục hàng hóa không chịu thuế GTGT. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục Thuế tiếp tục chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan chỉ đạo Hải quan các tỉnh thành phố tổ chức kiểm tra thực tế hàng hoá trước khi thông quan và xác nhận hàng hoá thực xuất làm căn cứ cho cơ quan Thuế xem xét hoàn thuế GTGT đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thuỷ hải sản theo đúng chỉ đạo của Bộ Tài chính tại Công văn số 8319/BTC-TCT ngày 27/6/2013 về việc tăng cường công tác quản lý đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thuỷ, hải sản.


Nguồn : gdt.gov.vn

Blog mang tính chất chia sẻ thông tin của tổng cục thuế. copy bài đã để lại nguồn.
Bài copy đã có chỉnh sửa cho phù hợp với blog, nội dung vẫn như cũ





Kế toán 247 - Kế toán Hà Nội
Công ty CP nghiên cứu và hỗ trợ Doanh Nghiệp Hà Nội
Cung cấp dịch vụ kế toán thuế - Đào tạo kế toán tổng hợp thực tế
trung tâm kế toán tphcm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài Xem Nhiều Nhất

Lưu trữ Blog

^ Back to Top
1
Bạn cần hỗ trợ?