Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

Bộ Tài chính tổ chức họp báo thông tin tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN



Chiều ngày 10/10/2013, Bộ Tài chính tổ chức họp báo thông tin về tình hình thực hiện chương trình công tác 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ tài chính – NSNN những tháng cuối năm 2013. Tham dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ; đại diện phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội. Thứ trưởng Vũ Thị Mai chủ trì buổi họp báo.

Trong 9 tháng đầu năm 2013, kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa ổn định và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ở trong nước, kinh tế - xã hội có chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả. Lạm phát tiếp tục được kiềm chế, dự trữ ngoại hối tăng, tỷ giá ngoại tệ tương đối ổn định; xuất khẩu tăng trưởng khá, nhập khẩu thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất bắt đầu tăng trở lại; các chính sách an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm và triển khai kịp thời.

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Tài chính đã nỗ lực, phấn đấu, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, thể hiện trên một số mặt công tác chính như sau:

Công tác xây dựng chính sách, pháp luật tài chính

Theo CTCT của Chính phủ năm 2013, tổng số đề án cả Bộ Tài chính được giao là 81 đề án; số đề án được giao đến hết tháng 9/2013 là 64 đề án. Tổng số đề án Bộ Tài chính đã trình từ đầu năm đến hết tháng 9/2013 là 51 đề án; đạt 79,7% so với số đề án được giao đến hết tháng 9/2013. Ngoài các đề án theo chương trình công tác nêu trên, trong tháng 9/2013, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 11 đề án. Trong tháng 9/2013 (tính đến ngày 27/9/2013), Bộ đã ký ban hành 06 Thông tư và 02 Thông tư liên tịch, 207 Quyết định và 1.113 công văn gửi các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị, cá nhân.

Nhìn chung, việc nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách tài chính đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ. Các dự án luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định quy phạm pháp luật được chuẩn bị đúng trình tự, thủ tục và cơ bản bảo đảm tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các đề án chính sách điều hành NSNN, chính sách tháo gỡ khó khăn cho SXKD, hỗ trợ thị trường... góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội.

Công tác theo dõi, chỉ đạo thực hiện các đề án cơ chế, chính sách có nhiều tiến bộ, góp phần hoàn thiện, ban hành trong thời gian ngắn, đáp ứng được yêu cầu quản lý và đòi hỏi thực tế của xã hội. Việc phối hợp giữa các Bộ Tài chính và các Bộ ngành, địa phương trong việc thực hiện các đề án cơ chế, chính sách ngày càng chặt chẽ, thường xuyên; bảo đảm tính thống nhất và khả thi.

Tình hình kinh tế vĩ mô và thực hiện dự toán ngân sách nhà nước

Tình hình kinh tế vĩ mô:

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2013 ước tính tăng 5,14% so với cùng kỳ năm trước (Mức tăng cùng kỳ của năm 2011 là 6,03% và năm 2012 là 5,10%), trong đó quý I tăng 4,76%; quý II tăng 5,00%; quý III tăng 5,54%.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2013 tăng 1,06% so với tháng trước, tăng 4,63% so với tháng 12/2012 và tăng 6,30% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân chín tháng năm nay tăng 6,83% so với bình quân cùng kỳ năm 2012.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 9/2013 ước tính tăng 20% so với cùng kỳ năm 2012. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng ước tính tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 9/2013 ước tính tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 9 tháng tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2012.

Thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/9/2013 tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 9 tháng năm nay ước tính tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2012

Tình hình thực hiện dự toán ngân sách tháng 9 và 9 tháng năm 2013

- Tình hình thực hiện dự toán thu NSNN: Tổng thu cân đối NSNN tháng 9 ước đạt 52.800 tỷ đồng, tăng khoảng 2.700 tỷ đồng (+5,4%) so với mức thực hiện tháng 8; Lũy kế đến hết tháng 9/2013, tổng thu NSNN ước đạt 543.835 tỷ đồng, bằng 66,6% dự toán, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó:

Thu nội địa: ước đạt 64,7% dự toán, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2012 (không kể thu tiền sử dụng đất thì đạt 65,8% dự toán, tăng 12,5% so với cùng kỳ). Ước tính chỉ có 6/14 khoản thu đảm bảo tiến độ theo dự toán (từ 75% dự toán trở lên), nhưng là các khoản thu nhỏ; 8/14 khoản thu còn lại tiến độ thu đạt thấp hơn so với yêu cầu như: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (đạt 60,6%), thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (đạt 69,5%), thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh (đạt 64,1%)… Hầu hết các sắc thuế chủ yếu đều đạt thấp so dự toán, như: thuế giá trị gia tăng (đạt 65,5%), thuế thu nhập doanh nghiệp (đạt 57,9%), thuế thu nhập cá nhân (đạt 67,2%), thuế bảo vệ môi trường (đạt 60%)...

Đến hết tháng 9/2013, ước tính có 23 địa phương thu đạt yêu cầu tiến độ dự toán, chủ yếu là các địa phương có số thu nhỏ; 40 địa phương còn lại tiến độ thu chưa đạt yêu cầu, trong đó có các địa phương trọng điểm thu như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… có 57 địa phương thu bằng hoặc tăng với cùng kỳ năm 2012, tuy nhiên mức tăng không lớn; 6 địa phương còn lại (Hà Nội, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc và Đắk Nông) thu thấp hơn cùng kỳ.

Thu từ dầu thô: ước đạt 84,1% dự toán, trên cơ sở giá dầu bình quân 9 tháng đạt trên 111 USD/thùng, tăng 21 USD/thùng so với giá xây dựng dự toán; sản lượng thanh toán ước đạt 11,16 triệu tấn, bằng 79% kế hoạch.

Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: tổng số thu ước đạt 67,4% dự toán; sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ, thu cân đối ngân sách ước đạt 61,9% dự toán. Mặc dù kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm ước tăng trưởng 15,% so với cùng kỳ; song thu ngân sách từ lĩnh vực này vẫn đạt thấp chủ yếu do kim ngạch xuất nhập khẩu của một số mặt hàng có giá trị lớn, thuế suất cao giảm mạnh.

- Tình hình thực hiện dự toán chi NSNN: Tổng chi NSNN tháng 9 và lũy kế tổng chi 9 tháng đầu năm ước đạt 70% dự toán, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2012; trong đó:

Chi đầu tư phát triển: ước đạt 70,8% dự toán; giải ngân vốn đầu tư XDCB vốn NSNN đạt khoảng 70,4% dự toán; vốn trái phiếu Chính phủ đạt khoảng 74,6% kế hoạch.

Chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính (bao gồm chi thực hiện cải cách tiền lương): ước đạt 71,8% dự toán, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2012.

Trong 9 tháng đầu năm, công tác tổ chức điều hành NSNN đã được triển khai tích cực, chủ động; trong điều kiện thu khó khăn, song NSNN luôn đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhu cầu chi theo dự toán; đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện chính sách tăng lương cơ sở (từ 1.050.000 đồng/tháng lên 1.150.000 đồng/tháng) từ 1/7/2013 và bổ sung kinh phí cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo quốc phòng, an ninh... Bên cạnh đó, thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xuất cấp trên 47 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ cho nhân dân ở những vùng bị thiếu đói, giáp hạt; góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

- Tình hình huy động vốn cho NSNN: Trong tháng 9/2013, KBNN đã tổ chức 3 phiên đấu thầu tín phiếu Kho bạc qua NHNN và 4 phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ qua Sở Giao dịch chứng khoản Hà Nội. Kết quả phát hành được: 8.380 tỷ đồng, bằng 101,3% so với tháng 8/2013 (8.270 tỷ đồng) và bằng 161,2% so với cùng kỳ năm 2012. Tính đến hết tháng 9/2013, KBNN đã phát hành được 144.812 tỷ đồng, bằng 75% kế hoạch được giao (193.000 tỷ đồng), bằng 145,5% so với cùng kỳ năm 2012.

Tình hình thực hiện các Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ

Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, Bộ Tài chính đã chỉ đạo công tác điều hành thu NSNN:

- Tổng cục Thuế đã thành lập Ban chỉ đạo chống thất thu và đôn đốc thu nộp NSNN năm 2013; tổ chức hướng dẫn các Cục Thuế và Chi cục Thuế địa phương tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý thu NSNN nói chung và việc hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu qua biên giới đất liền nói riêng.

- Tổng cục Hải quan đã tăng cường công tác chống buôn lậu trốn thuế, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; kiểm soát chặt buôn bán qua biên giới; hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa nhập khẩu vào khu phi thuế quan. Khẩn trương rà soát, phân loại nợ thuế.

Đối với công tác điều hành chi NSNN:

- Ngày 10/9/2013, Bộ Tài chính đã có văn bản số 12067/BTC-HCSN gửi các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đề nghị tiếp tục rà soát các khoản chi đã bố trí trong dự toán để tiếp tục cắt giảm hoặc giãn thời gian thực hiện đối với các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết.

- Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản hướng dẫn các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương xử lý một số vướng mắc trong thanh toán vốn đầu tư XDCB thuộc kế hoạch năm 2013; đồng thời, đã trình Thủ tướng Chính phủ xử lý các vướng mắc trong việc thu hồi vốn ứng trước NSNN và vốn trái phiếu Chính phủ năm 2013; đang xin ý kiến các Bộ, ngành về việc xử lý vướng mắc trong thực hiện các dự án khởi công mới thuộc Chương trình MTQG.

Đối với công tác quản lý, kiểm soát, điều hành giá tháng 9/2013:

- Giá cả các mặt hàng quan trọng, thiết yếu (điện, than bán cho điện, nước sạch, dịch vụ khám chữa bệnh...) vẫn được giữ như lần điều chỉnh vào đầu tháng 8. Đối với giá xăng dầu, tuy giá thế giới có biến động, nhưng để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chia sẻ hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà nước, Liên Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục giữ ổn định giá xăng dầu thị trường trong nước theo mức đã điều chỉnh ngày 22/8/2013 và điều chỉnh giảm vào ngày 07/10/2013.

- Riêng đối với giá dịch vụ giáo dục, thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn địa phương và các cơ sở giáo dục công lập về giá dịch vụ giáo dục năm học 2013-2014 theo hướng giãn thời gian điều chỉnh và xây dựng tiến độ điều chỉnh hợp lý (nếu có).

- Đối với việc quản lý giá sữa, từ tháng 4/2013 Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Y tế và cơ quan liên quan họp bàn về công tác quản lý giá sữa cho phù hợp với quy định hiện hành về quản lý giá và quy chuẩn an toàn thực phẩm. Đến đầu tháng 8/2013, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế cung cấp danh sách các công ty sản xuất, kinh doanh sữa, danh mục các sản phẩm đã được cấp chứng nhận sản phẩm là sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi và danh mục các thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi; đồng thời có văn bản đề nghị các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh, phân phối sữa cung cấp danh mục sản phẩm sữa, các sản phẩm dinh dưỡng và thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng... dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi phải thực hiện bình ổn giá theo quy định của Luật Giá và các văn bản liên quan. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã có văn bản số 12247/BTC_QLG ngày 13/9/2013 và văn bản số 12658/BTC-QLG ngày 20/9/2013 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình quản lý mặt hàng này.

- Duy trì thường xuyên công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý và bình ổn giá tại nhiều địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá gắn với kiểm tra chấp hành pháp luật về thuế; kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, góp phần bình ổn giá cả hàng hóa thị trường trong nước.

Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng:

- Đối với việc tái cơ cấu đầu tư công: tính đến hết tháng 9/2013, theo nhiệm vụ được phân công, Bộ Tài chính đã phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện việc rà soát, hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách về phân cấp và quản lý đầu tư công, trong đó: đã tham gia ý kiến đối với dự thảo Luật Đầu tư công, dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng XDCB từ nguồn NSNN và TPCP; tham gia rà soát danh mục các dự án cơ sở hạ tầng quốc gia.

- Đối với việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Tính đến tháng 9/2013, đã có 54 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã được cấp thẩm quyền phê duyệt Đề án tái cơ cấu và đang triển khai thực hiện.

10 nhiệm vụ trọng tâm

Thứ nhất, tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước

Thứ hai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ:

Thứ ba, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm

Thứ tư, tập trung thực hiện xây dựng các đề án, cơ chế chính sách trọng tâm năm 2013; đồng thời chủ động rà soát, tham mưu chương trình xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với thực tế của nền kinh tế

Thứ năm, thực hiện việc tăng cường kiểm soát thị trường, quản lý giá cả

Thứ sáu, tích cực thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu

Thứ bảy, tiếp tục đẩy mạnh quá trình sắp xếp cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và đổi mới cơ chế tài chính đối với lĩnh vực sự nghiệp công

Thứ tám, tăng cường công tác quản lý, giám sát thị trường tài chính và hoạt động của các định chế tài chính

Thứ chín, tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường hiện đại hóa và nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước của ngành Tài chính.

Thứ mười, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tài chính, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.



Nguồn : gdt.gov.vn

Blog mang tính chất chia sẻ thông tin của tổng cục thuế. copy bài đã để lại nguồn.
Bài copy đã có chỉnh sửa cho phù hợp với blog, nội dung vẫn như cũ





Kế toán 247 - Kế toán Hà Nội
Công ty CP nghiên cứu và hỗ trợ Doanh Nghiệp Hà Nội
Cung cấp dịch vụ kế toán thuế - Đào tạo kế toán tổng hợp thực tế
trung tâm kế toán tphcm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài Xem Nhiều Nhất

Lưu trữ Blog

^ Back to Top
1
Bạn cần hỗ trợ?