Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2009

Một số điểm mới về thuế tiêu thụ đặc biệt

kế toán hà nội - công ty dịch vụ kế toán hà nội đã phát triển như thế nào - kế toán 247, dịch vụ kế toán, đào tạo kế toán, tin tức kế toán

Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) là loại thuế gián thu, áp dụng đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước cần điều tiết thu nhập và định hướng sản xuất, tiêu dùng theo các mục tiêu chính sách dài hạn. ở nước ta, Luật Thuế TTĐB lần đầu tiên được ban hành vào năm 1990 trong chương trình cải cách thuế giai đoạn I. Quá trình thực hiện, thuế TTĐB đã được sửa đổi và hoàn thiện nhiều lần để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong từng giai đoạn và các yêu cầu đặt ra trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Những lần sửa đổi, bổ sung quan trọng nhất là các Luật được ban hành trong các năm 1998, 2003 và 2005.

Tổng kết gần 20 năm thực hiện Luật Thuế TTĐB và các Luật sửa đổi, bổ sung đã cho thấy về cơ bản, thuế TTĐB đã đạt được mục tiêu đặt ra là hướng dẫn sản xuất, tiêu dùng của xã hội, điều tiết thu nhập của người tiêu dùng một cách hợp lý, và tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh đối với một số hàng hoá và dịch vụ. Thuế suất cao áp dụng đối với nhiều mặt hàng như thuốc lá, rượu, bia, ôtô du lịch, kinh doanh vũ trường,... không chỉ nhằm mục tiêu động viên nguồn thu cho NSNN mà còn thực hiện vai trò định hướng tiêu dùng. Chính sách miễn, giảm thuế TTĐB được công bố trước theo lộ trình giảm dần bảo hộ đối với doanh nghiệp sản xuất bia hơi, sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước,... tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp lại SXKD trong nước và cùng với thuế nhập khẩu đã góp phần vào việc hình thành nên một ngành công nghiệp mới. Mặc dù đạt được nhiều kết quả thiết thực nhưng trước đòi hỏi của sự phát triển kinh tế xã hội hiện nay và trong thời gian tới, Luật Thuế TTĐB của nước ta vẫn cần được tiếp tục hoàn thiện.

kế toán hà nội - công ty dịch vụ kế toán hà nội đã phát triển như thế nào - kế toán 247, dịch vụ kế toán, đào tạo kế toán, tin tức kế toán
Ngày 14/11/2008, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khoá XII đã thông qua Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt với nhiều nội dung đổi mới. Đến nay, Chính phủ, Bộ Tài chính đã hoàn tất công việc ban hành văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện Luật đúng thời điểm hiệu lực từ ngày 01/4/2009. Dưới đây là những thông tin mới về nội dung chính sách và công tác quản lý thuế TTĐB được thể hiện trong Luật và các văn bản hướng dẫn.

Về đối tượng chịu thuế

Trong lần sửa đổi này, Luật Thuế TTĐB có phạm vi điều chỉnh rộng, ngoài các mặt hàng truyền thống (đồ uống có cồn như rượu, bia; thuốc lá; xăng và các chế phẩm dùng để pha chế xăng, điều hoà nhiệt độ, ôtô du lịch dưới 24 chỗ ngồi,... một số mặt hàng mới được bổ sung vào đối tượng chịu thuế, đáng lưu ý là:

- Xe mô tô có dung tích xi lanh trên 125 phân khối (cm3), với đặc thù là đại bộ phận thuộc loại xe tay ga, xe đua, thường có giá trị lớn, chủ yếu được sử dụng và lưu thông ở các thành phố lớn, người sử dụng phần đông là bộ phận dân cư có thu nhập cao. Việc đưa loại xe môtô có dung tích xi - lanh trên 125 cm3 vào diện chịu thuế TTĐB không ảnh hưởng đến các đối tượng sử dụng xe máy phổ thông là bà con nông dân, người lao động có thu nhập trung bình trở xuống mà vẫn bảo đảm được yêu cầu định hướng tiêu dùng, khuyến khích sử dụng năng lượng có hiệu quả, tiết kiệm nhiên liệu và góp phần giảm ô nhiễm môi trường.

- Tàu bay và du thuyền (trừ loại được sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hoá, hành khách, khách du lịch) là những mặt hàng cao cấp phục vụ cho các đối tượng có thu nhập rất cao. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế và thiên hướng tiêu dùng xã hội, một bộ phận dân cư có thu nhập cao có khả năng sở hữu tàu bay, du thuyền để phục vụ nhu cầu tiêu dùng riêng. Vì vậy, Luật Thuế TTĐB đã bổ sung vào diện chịu thuế TTĐB các đối tượng này nhằm thực hiện chính sách điều tiết thu nhập.

kế toán hà nội - công ty dịch vụ kế toán hà nội đã phát triển như thế nào - kế toán 247, dịch vụ kế toán, đào tạo kế toán, tin tức kế toán
- Bổ sung mặt hàng ôtô dưới 24 chỗ ngồi vừa chở người vừa chở hàng vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Các Luật Thuế TTĐB ban hành trước đây đều quy định áp thuế đối với ô tô chở người dưới 24 chỗ ngồi. Trên thực tế, có loại xe dưới 24 chỗ ngồi có tính chất lưỡng dụng: vừa chở người, vừa chở hàng nhưng chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng cá nhân (như xe VAN, xe pick-up có từ hai hàng ghế ngồi trở lên). Để phù hợp mục tiêu của thuế TTĐB và bảo đảm tính bao quát của Luật nên loại xe này được bổ sung vào đối tượng chịu thuế TTĐB, tuy nhiên, có tính đến tính chất lưỡng dụng của loại xe này nên áp dụng thuế suất thấp hơn loại xe chỉ chở người.

- Bổ sung vào diện áp thuế TTĐB đối với những mặt hàng là “các chế phẩm khác từ cây thuốc lá” để bao quát hết các sản phẩm thuốc lá. Nội dung này nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống là trên thị trường hiện nay, ngoài thuốc lá điếu, xì gà còn có các chế phẩm khác từ cây thuốc lá nhưng không hút mà dùng để nhai, ngửi.

- Đổi mới quy định về kinh doanh đặt cược: Trên giác độ quản lý xã hội thì hoạt động cá cược, một số loại hình “vui chơi có thưởng” mang nặng tính “ăn thua” không cần khuyến khích. Do đó, trong khung khổ Luật Thuế, các văn bản hướng dẫn đã quy định hoạt động kinh doanh đặt cược “bao gồm: đặt cược thể thao, giải trí và các hình thức đặt cược khác theo quy định của pháp luật” để có thể mở rộng diện điều chỉnh trong trường hợp cần thiết.

Về đối tượng không thuộc diện chịu thuế

Với mục tiêu điều tiết và định hướng sản xuất, tiêu dùng, Luật Thuế TTĐB lần này quy định cụ thể diện điều chỉnh, có bổ sung thêm một số mặt hàng phải nộp thuế TTĐB. Tuy nhiên, thực tiễn cuộc sống cho thấy mặt hàng thuộc diện chịu thuế TTĐB cũng có thể được sử dụng cho các mục đích không hẳn là tiêu dùng cá nhân. Do đó, trong điều kiện của nước ta, Luật Thuế TTĐB số 27/2008/QH12 và các văn bản hướng dẫn có quy định cụ thể những đối tượng không thuộc diện chịu thuế TTĐB như sau:

- Tàu bay, du thuyền sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hoá, hành khách, dịch vụ du lịch (loại không dùng cho tiêu dùng cá nhân). Quy định này nhằm không gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh vận tải, du lịch.

- Thực tế có một số chủng loại xe ôtô dưới 24 chỗ ngồi được sử dụng cho mục đích chuyên dùng như: xe cứu thương, xe chở phạm nhân, xe tang lễ; xe ôtô thiết kế vừa có chỗ ngồi, vừa có chỗ đứng chở được từ 24 người trở lên (xe buýt nội thành và liên tỉnh, xe buýt vận chuyển khách trong sân bay, nhà ga). Để phù hợp với mục tiêu của thuế TTĐB đối với mặt hàng ôtô, thực hiện điều tiết đúng đối tượng nên đã bổ sung các loại ôtô chuyên dụng vào diện không chịu thuế.

- Theo qui định của pháp luật hiện hành, thì quan hệ trao đổi hàng hoá giữa thị trường nội địa và khu phi thuế quan được coi như quan hệ xuất nhập khẩu, hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan, hàng hoá từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác không phải chịu các loại thuế gián thu như thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế GTGT. Để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống chính sách, pháp luật thuế, Luật Thuế TTĐB đã bổ sung các loại hàng hoá đưa vào các khu phi thuế quan vào đối tượng không chịu thuế TTĐB. Riêng ôtô chở người dưới 24 chỗ ngồi được nhập khẩu vào các khu phi thuế quan nhưng thực tế do chúng chủ yếu được sử dụng trong nội địa Việt Nam nên vẫn thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB để tránh gian lận thương mại và phù hợp với thực tiễn.

Về thuế suất thuế TTĐB

Việc sửa đổi mức thuế suất lần này nhằm mục tiêu vừa khắc phục những tồn tại, bất cập của Luật Thuế TTĐB trước đây, vừa đảm bảo việc thực hiện các cam kết quốc tế của nước ta trong Hiệp định gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cụ thể như sau:

Đối với mặt hàng ôtô du lịch, trong nhiều năm, Luật Thuế TTĐB quy định mức thuế suất áp dụng đối với ôtô chở người được phân biệt theo tiêu chí số chỗ ngồi. Theo đó, ôtô từ 5 chỗ ngồi trở xuống áp thuế suất 50%; ôtô từ 6 đến 15 chỗ áp thuế suất 30%; ôtô từ 16 đến dưới 24 chỗ áp thuế suất 15%. Quy định như vậy trong thực tế thực hiện đã bộc lộ hạn chế, bất cập. Đối với loại xe từ 6 đến 9 chỗ ngồi được sử dụng chủ yếu làm phương tiện đi lại cho cá nhân, song chỉ chịu mức thuế suất bằng 60% so với mức thuế suất áp dụng cho xe từ 5 chỗ ngồi trở xuống. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tại nhiều nước, bên cạnh việc sử dụng tiêu chí số chỗ ngồi, họ còn kết hợp với một số tiêu chí khác để định ra mức thuế TTĐB như dung tích xi lanh (hoặc công suất động cơ), kích thước xe liên quan đến diện tích chiếm chỗ,... Trong lần sửa đổi này đã có sự lựa chọn kết hợp nhiều tiêu chí phân loại để sắp xếp, cơ cấu lại thuế suất giữa các nhóm xe, có tính đến diện tích chiếm chỗ ảnh hưởng đến giao thông, nguồn năng lượng sử dụng.

Đối với chủng loại xe từ 6 đến 9 chỗ ngồi sẽ được xếp vào cùng nhóm với các chủng loại xe 5 chỗ ngồi trở xuống để áp dụng một mức thuế suất phân biệt theo dung tích xi lanh với nguyên tắc: dung tích xi lanh lớn hơn sẽ phải chịu mức thuế suất cao hơn; Đối với loại xe có dung tích từ 2.000 cc trở xuống áp dụng mức thuế suất là 45%, dung tích trên 2.000 cc đến 3.000 cc mức thuế suất áp dụng là 50%, dung tích trên 3.000 cc sẽ áp mức thuế 60% là mức thuế suất cao nhất.

Các mức thuế suất mới được áp dụng sẽ không gây ảnh hưởng đến hoạt động và hiệu quả kinh doanh của các nhà sản xuất, lắp ráp trong nước: Với cơ cấu hiện tại, các chủng loại xe từ 5 chỗ ngồi trở xuống phần lớn có dung tích xi lanh dưới 2000 cc nên sẽ có lợi hơn (thuế suất giảm từ 50% xuống còn 45%); Trong khi đó, xe sản xuất trong nước loại dung tích xi lanh trên 3.000 cc (chịu mức thuế suất tăng từ 50% lên 60%) chiếm tỷ trọng rất nhỏ (khoảng 3% số lượng xe sản xuất và tiêu thụ thuộc diện chịu thuế TTĐB). Đối với loại xe từ 6 đến 9 chỗ ngồi sẽ chịu tác động của việc điều chỉnh cách tính thuế do mức thuế suất được điều chỉnh tăng từ 30% lên 45%, 50% và 60% tuỳ theo dung tích xi lanh. Tuy nhiên, trong từng doanh nghiệp sản xuất xe ôtô hiện nay đều có sản xuất cả loại xe từ 5 chỗ ngồi trở xuống và xe từ 6 đến 9 chỗ, do đó về cơ bản sẽ không ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh. Mặt khác, loại xe từ 6 đến dưới 9 chỗ có dung tích trên 3.000cc với mức tăng thuế cao nhất (từ 30% lên 60%), hiện trong nước sản xuất không đáng kể, chỉ chiếm khoảng 0,8% tổng số xe sản xuất trong nước thuộc diện chịu thuế TTĐB.

Đối với đồ uống có cồn

Thuế suất đối với mặt hàng này được các nước đối tác dành sự quan tâm đặc biệt. Do đó, trong lần sửa đổi này, bên cạnh việc khắc phục những tồn tại trong quy định của Luật và thực tế thi hành về thuế suất,... còn đảm bảo việc thực hiện các cam kết quốc tế khi Việt Nam gia nhập WTO.

Đối với mặt hàng rượu, Viêt Nam cam kết trong vòng 3 năm kể từ ngày gia nhập WTO (tức là từ năm 2010), tất cả các loại rượu được chưng cất có nồng độ từ 20 độ cồn trở lên sẽ áp dụng một mức thuế tuyệt đối tính theo lít rượu cồn nguyên chất hoặc một mức thuế phần trăm. Luật Thuế TTĐB trước đây quy định thuế suất đối với mặt hàng rượu được phân biệt theo nồng độ cồn, trong đó rượu dưới 20 độ, rượu hoa quả, rượu thuốc áp thuế suất 20%; rượu từ 20 độ đến dưới 40 độ cồn áp thuế suất 30%; rượu từ 40 độ cồn trở lên áp thuế suất 65%. Hiện nay, rượu sản xuất trong nước chủ yếu là các loại rượu có nồng độ cồn dưới 40 độ, trong đó rượu có nồng độ cồn từ 20 độ đến dưới 40 độ chiếm tỷ trọng lớn về sản lượng (95%) và số thu thuế TTĐB là 93,7%. Rượu từ 40 độ trở lên chiếm tỷ trọng nhỏ về sản lượng (5%) và số thu thuế TTĐB (6,3%). Để thực hiện đúng cam kết WTO, Luật Thuế TTĐB mới có quy định mức thuế suất đối với mặt hàng rượu từ 20 độ trở xuống là 25% thay cho mức thuế suất 20%. Các loại rượu có nồng độ cồn từ 20 độ trở lên trong 3 năm đầu được áp dụng mức thuế suất là 45%, từ năm 2013 trở đi sẽ áp dụng mức thuế suất là 50%.

kế toán hà nội - công ty dịch vụ kế toán hà nội đã phát triển như thế nào - kế toán 247, dịch vụ kế toán, đào tạo kế toán, tin tức kế toán
Đối với mặt hàng bia, theo cam kết thì trong vòng 3 năm kể từ khi gia nhập WTO, Việt Nam sẽ phải quy định một mức thuế suất theo tỷ lệ phần trăm (%) áp dụng chung đối với các loại bia, không phân biệt hình thức đóng gói bao bì. Luật trước đây quy định bia chai, bia lon áp thuế suất 75%; bia hơi, bia tươi áp thuế suất là 40% (năm 2006-2007 là 30%). Luật Thuế TTĐB sửa đổi quy định mức thuế suất áp dụng, đối với mặt hàng bia là 50% nhưng có lộ trình áp dụng vì đây là cam kết bắt buộc khi Việt Nam gia nhập WTO nhưng chúng ta cũng phải tính đến quyền lợi và thực trạng của sản xuất kinh doanh trong nước. Việc áp dụng thuế suất đối với mặt hàng bia hơi theo hướng tăng từ mức 40% lên 50% là có lộ trình đã được xác định trước và công bố công khai nhiều năm qua. Mức 50% sẽ được áp dụng từ năm 2013. Trong 3 năm đầu kể từ khi Luật số 27/2008 có hiệu lực, mức thuế suất áp dụng chung với tất cả các chủng loại bia, không phân biệt bao bì sẽ là 45% (với bia hơi có tăng 5% so với trước). Mức tăng này sẽ không ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp bia hơi và với lộ trình 3 năm cũng sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất bia hơi có thời gian sắp xếp lại sản xuất, thay đổi cơ cấu mặt hàng (bia hơi, bia chai, bia lon) để ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.

Đối với các dịch vụ khác, Luật Thuế TTĐB sửa đổi giữ nguyên mức thuế suất đối với kinh doanh dịch vụ mát xa, karaoke là 30%. Riêng đối với kinh doanh vũ trường được sử dụng bởi phần lớn người có thu nhập khá, vì vậy Luật thuế mới đã điều chỉnh tăng mức thuế suất từ 30% lên 40%. Đối với dịch vụ casino, trò chơi điện tử có thưởng, kinh doanh đặt cược: trước đây áp mức thuế suất là 25%. Đây là loại hình dịch vụ Nhà nước không khuyến khích kinh doanh và tiêu dùng. Do đó, Luật Thuế TTĐB sửa đổi đã điều chỉnh tăng thuế suất lên mức 30%. Đối với kinh doanh golf, là loại hình dịch vụ cao cấp, thu hút những người có thu nhập cao trong xã hội, do đó Luật sửa đổi đã điều chỉnh mức thuế suất lên 20% (thay cho mức thuế 10%).

Quy định về giá tính thuế

Thuế TTĐB thu ngay tại khâu đầu (sản xuất hoặc nhập khẩu), do đó các Luật Thuế TTĐB từ trước đến nay đều quy định giá tính thuế đối với hàng hóa sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra tại nơi sản xuất chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt; đối với hàng hóa nhập khẩu, giá tính thuế TTĐB là giá tính thuế nhập khẩu cộng với (+) thuế nhập khẩu. Trong nhiều năm, giá tính thuế đối với mặt hàng bia lon được trừ giá trị vỏ lon. Đối với bia chai, giá tính thuế theo quy định truyền thống là giá bán của cơ sở sản xuất và trên thực tế đại bộ phận các cơ sở sản xuất bia áp dụng chính sách đổi vỏ chai nên về cơ bản, giá tính thuế không bao gồm giá trị vỏ chai (trừ số ít không thực hiện thu hồi vỏ).

Để thực hiện được mục tiêu hướng dẫn tiêu dùng đối với mặt hàng bia, đồng thời đảm bảo thực hiện cam kết khi gia nhập WTO, áp dụng một mức thuế suất đối với mặt hàng bia, Luật Thuế TTĐB sửa đổi quy định giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng bia là giá bán của cơ sở sản xuất, hoặc giá nhập khẩu chưa có thuế TTĐB. Việc quy định giá tính thuế là giá do cơ sở sản xuất bán ra, vì vậy, giá tính thuế đối với bia lon, bia chai là giá bao gồm cả vỏ lon, vỏ chai. Việc không trừ vỏ lon là phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm bình đẳng với các mặt hàng khác cũng có bao bì như rượu, thuốc lá, điều hoà nhiệt độ.

kế toán hà nội - công ty dịch vụ kế toán hà nội đã phát triển như thế nào - kế toán 247, dịch vụ kế toán, đào tạo kế toán, tin tức kế toán
Điểm mới đáng lưu ý trong Luật Thuế TTĐB sửa đổi lần này và các văn bản hướng dẫn thực hiện là quy định về giá tính thuế đối với các mặt hàng được liên kết, hợp tác sản xuất giữa các cơ sở kinh doanh dưới hình thức các hợp đồng gia công hoặc hợp tác kinh doanh kèm theo các điều khoản uỷ nhiệm. Theo đó, giá tính thuế TTĐB đối với hàng hoá gia công là giá tính thuế của hàng hoá bán ra của cơ sở giao gia công hoặc giá bán của sản phẩm cùng loại hoặc tương đương tại cùng thời điểm bán hàng, chưa có thuế GTGT và chưa có thuế TTĐB. Đối với hàng hoá sản xuất dưới hình thức hợp tác kinh doanh giữa cơ sản xuất và cơ sở sở hữu thương hiệu (nhãn hiệu) hàng hoá, công nghệ sản xuất, giá tính thuế TTĐB là giá bán ra chưa có thuế GTGT của cơ sở sở hữu thương hiệu (nhãn hiệu) hàng hoá, công nghệ sản xuất,... Những quy định này cho thấy pháp luật về thuế TTĐB tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý thuế được tốt hơn và hạn chế được các trường hợp “lách thuế”, giảm thiểu thất thu thông qua cơ chế “chuyển giá” giữa các doanh nghiệp./.


nguồn : gdt.gov.vn
trung tâm kế toán tphcm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài Xem Nhiều Nhất

Lưu trữ Blog

^ Back to Top
1
Bạn cần hỗ trợ?