Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012

Bộ Tài chính: Thực hiện chặt chẽ, hiệu quả các giải pháp về tài chính – NSNN trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2012



Thực hiện triển khai Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 và Nghị quyết số 01/NQ-CP, Bộ Tài chính đã triển khai một loạt các giải pháp điều hành về tài chính – NSNN chặt chẽ, hiệu quả trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2012, qua đó đã đáp ứng các nhu cầu chi phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, chi trả nợ, bảo đảm an sinh xã hội và góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh. Công tác quản lý, điều hành giá cả cũng góp phần tích cực trong việc thực hiện kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường.


Tổng hợp việc triển khai các đề án xây dựng chính sách trong 7 tháng đầu năm và tháng 7/2012:

(1) Trong 7 tháng đầu năm 2012 đã hoàn thành và trình Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ 57 đề án; riêng tháng 7 hoàn thành 09 đề án.

(2) Trong phạm vi thẩm quyền của Bộ Tài chính, trong 7 tháng đầu năm đã ban hành 119 Thông tư, Thông tư Liên tịch; riêng tháng 7/2012 là 12 Thông tư và ban hành 1.461 Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Trên cơ sở các đề án do Bộ Tài chính trình, trong tháng 7/2012, Chính phủ, TTgCP đã ban hành 05 VBQPPL: (1) Nghị định số 57/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. (2) Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán. (3) Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cấu trúc DNNN trọng tâm là các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2011-2015. (4) Quyết định 958/QĐ-TTg ngày 27/7/2012 phê duyệt chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của Quốc gia 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. (5) Quyết định số 952/QĐ-TTg ngày 26/7/2012 về một số cơ chế tài chính của Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên Lọc hoá dầu Bình Sơn.

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2012, Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện các giải pháp về tài chính-NSNN, trong đó tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, linh hoạt; tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả; khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, kiềm chế nhập siêu; nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, kết quả như sau:

(1) Về công tác thu - chi NSNN:

- Tổng thu cân đối NSNN tháng 7 ước đạt: 49.260 tỷ đồng, tăng khoảng 1.960 tỷ đồng so với mức thực hiện tháng 6/2012. Luỹ kế 7 tháng đầu năm, tổng thu NSNN đạt 393.500 tỷ đồng, bằng 53,1% dự toán, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó: thu nội địa đạt 51,2% dự toán, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2011; thu về dầu thô đạt 76,9% dự toán, tăng 7,1% so với cùng kỳ 2011; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 45,5% dự toán, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm 2011.

- Tổng chi cân đối NSNN tháng 7 ước đạt: 81.260 tỷ đồng. Luỹ kế 7 tháng đầu năm, tổng chi NSNN đạt 498.160 tỷ đồng, bằng 55,2% dự toán, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2011, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính, chi trả nợ, chi cải cách tiền lương và có tính chất tiền lương, an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai. Tính đến hết tháng 7, vốn đầu tư từ NSNN giải ngân ước đạt khoảng 50,7% dự toán, vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân ước đạt 36,7% kế hoạch.

(2) Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 của Chính phủ đến hết tháng 7/2012 như sau:

- Ban hành Thông tư số 111/2012/TT-BTC ngày 4/7/2012 hướng dẫn thực hiện Danh mục hàng hóa và thuế suất thuế nhập khẩu để áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu.

- Trình Thủ tướng Chính phủ (các Công văn số 8878/BTC-ĐT ngày 3/7/2012 và số: 9435/BTC-ĐT ngày 13/7/2012) về tạm ứng vốn đầu tư kế hoạch năm 2012 và ứng trước kế hoạch vốn năm 2013 cho các dự án.

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra giám sát thị trường, không để xảy ra đột biến về giá của các hàng hóa, dịch vụ quan trọng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, sữa, thuốc chữa bệnh cho người, thuốc bảo vệ động vật, thực vật, phân bón… Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với Bộ Công thương và các Bộ, ngành liên quan khác thực hiện điều chỉnh một bước giá bán đối với các mặt hàng Nhà nước còn kiểm soát giá trực tiếp (giá bán lẻ xăng, dầu, giá điện, giá than, giá nước sạch).

- Hướng dẫn giải quyết bồi thường bảo hiểm đối với các tổn thất về cây lúa, vật nuôi, thủy sản do dịch bệnh gây ra (Công văn số 8795/BTC-QLBH ngày 2/7/2012); đồng thời, tổ chức sơ kết đánh giá tình hình thực hiện Bảo hiểm nông nghiệp.

- Triển khai hướng dẫn Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015”.

- Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính thuế, hải quan nhằm giảm thiểu tối đa thời gian kê khai, nộp thuế cho các doanh nghiệp, trong đó tăng cường khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện việc kê khai thuế qua mạng; mở rộng phối hợp thu thuế qua hệ thống ngân hàng thương mại.

(3) Đã thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp tăng cường quản lý giá cả, ổn định thị trường, phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm soát thị trường, không để xảy ra đột biến về giá của các hàng hóa, dịch vụ quan trọng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, sữa, thuốc chữa bệnh cho người, thuốc bảo vệ động vật, thực vật, phân bón,...; quy định chi tiết việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực giá:

- Phối hợp với Bộ, ngành chức năng thực hiện điều chỉnh một bước giá bán đối với các mặt hàng Nhà nước còn kiểm soát giá trực tiếp, như: giá bản lẻ xăng dầu, giá than, giá nước sạch...

- Thực hiện một số giải pháp nhằm khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu: tiếp tục rà soát, nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh các chính sách về thuế, phí và chế độ thu nhằm khuyến khích xuất khẩu và phù hợp với cam kết hội nhập. Trong đó, đã ban hành một số Thông tư sửa đổi thuế suất nhập khẩu một số mặt hàng xăng dầu, khí LPG và một số chính sách liên quan đến thuế xuất nhập khẩu; triển khai thí điểm việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách du lịch là người nước ngoài mua hàng hóa tại Việt Nam khi xuất cảnh theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ... Đồng thời, tập trung chỉ đạo ngành Hải quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc xuất nhập khẩu hàng hoá, chống buôn lậu và gian lận thương mại, đặc biệt là hình thức tạm nhập, tái xuất.

(4) Về các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu hệ thống tài chính, doanh nghiệp; tập trung nguồn lực phát triển nông nghiệp, nông thôn:

- Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2015.

- Đã ban hành Thông tư số 101/2012/TT-BTC ngày 20/06/2012 quy định một số vấn đề về tài chính đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiêp tái bảo hiểm thực hiện thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định 315/QĐ-TTg; hướng dẫn giải quyết bồi thường bảo hiểm đối với các tổn thất về cây lúa, vật nuôi, thủy sản do dịch bệnh gây ra.

- Đã trình Thủ tướng Chính phủ các Đề án về chiến lược phát triển thị trường chứng khoán, đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm, triển khai chứng chỉ lưu ký toàn cầu... tăng cường phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực tín dụng, tăng tính thanh khoản của thị trường và tái cấu trúc các công ty chứng khoán thuộc hệ thống ngân hàng.

- Đã yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện thoái vốn đầu tư tại các doanh nghiệp không thuộc ngành nghề kinh doanh chính và kế hoạch thoái vốn tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối.

- Ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

(5) Thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội:

- Thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ chi an sinh xã hội đã bố trí trong dự toán NSNN năm 2012 cho các đối tượng thụ hưởng chính sách. Đến hết tháng 7/2012, NSTW đã tạm cấp kinh phí cho các địa phương 497,6 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo quý I và II/2012; 340 tỷ đồng để hỗ trợ người thuộc hộ cận nghèo, hỗ trợ học sinh, sinh viên mua thẻ BHYT; 6.284 tỷ đồng thực hiện cải cách tiền lương năm 2012... Bên cạnh đó, đã xuất cấp 37.376 tấn gạo dự trữ quốc gia trị giá khoảng 374 tỷ đồng để cứu trợ cho nhân dân ở những vùng bị thiếu đói, giáp hạt, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho người nghèo.

- Đã tích cực đàm phán với các tổ chức tài chính quốc tế, chính phủ, tổ chức ngòai nước để huy động các nguồn lực bên ngoài, góp phần bổ sung vốn cho các dự án cấp thoát nước, biến đổi khí hậu, dạy nghề, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ mục tiêu xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm...

(6) Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng:

Trong tổ chức quản lý, điều hành NSNN năm 2012, Bộ Tài chính đã yêu cầu tổ chức thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm và chống lãng phí; quản lý, sử dụng NSNN đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm; đồng thời xử lý kịp thời những sai phạm được phát hiện qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.

Trong 7 tháng đầu năm 2012, Bộ Tài chính đã chủ động triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các giải pháp về tài chính – NSNN theo Nghị quyết số 01/NQ-CP, NSNN được điều hành chặt chẽ, hiệu quả; đáp ứng các nhu cầu chi phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, chi trả nợ, bảo đảm an sinh xã hội và góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh. Công tác quản lý, điều hành giá cả cũng góp phần tích cực trong việc thực hiện kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường.

Thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ về các giải pháp đã triển khai thực hiện trong tháng 7/2012 trong lĩnh vực tài chính - NSNN đến hết tháng 7/2012 như sau:

(1) Tập trung triển khai thực hiện nhanh, đồng bộ một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân.Tổng hợp nhanh việc thực hiện gia hạn, miễn, giảm thuế đến hết tháng 7/2012 như sau:

- Đối với thuế giá trị gia tăng: đã thực hiện gia hạn số thuế phải nộp của các tháng 4, 5 và 6/2012 cho khoảng 208.250 lượt doanh nghiệp, với tổng số tiền thuế gia hạn xấp xỉ 10.000 tỷ đồng.

- Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp: đã giải quyết gia hạn nợ thuế cho khoảng 8.260 doanh nghiệp, với tổng số thuế được gia hạn là 347,5 tỷ đồng. Trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 29/2012/QH13 ngày 21/6/2012 về một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân.

- Đối với việc giảm 50% tiền thuê đất năm 2012: đã giải quyết giảm tiền thuê đất cho khoảng 3.153 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thương mại, dịch vụ, với tổng số tiền thuê đất được giảm là 339 tỷ đồng.

- Đối với việc miễn thuế môn bài năm 2012 đối với hộ đánh bắt hải sản và hộ làm muối: đã giải quyết miễn thuế và hoàn thuế (đối với các hộ đã thực hiện nộp thuế) cho khoảng 40.223 hộ, với tổng số tiền thuế được miễn và hoàn khoảng 10,6 tỷ đồng.

(2) Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2012/NĐ-CP ngày 30/7/2012 quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 29/2012/QH13 ngày 21/6/2012 về một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân.

(3) Thực hiện các biện pháp thiết thực để đẩy nhanh việc thực hiện, giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án, chương trình. Đồng thời, tổ chức đối thoại trực tiếp với các chủ đầu tư để bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải ngân vốn đầu tư XDCB năm 2012.

- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ ứng trước 30.000 tỷ đồng vốn XDCB và TPCP năm 2013 cho các dự án cấp bách, hoàn thành trong năm 2012 và 2013.

- Ban hành Công văn số 1942/KBNN-KSC ngày 09/07/2012 trong đó yêu cầu KBNN địa phương thực hiện tốt công tác kiểm soát chi đầu tư, hướng dẫn tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư trong việc hoàn tất các hồ sơ, thủ tục thanh toán vốn.

(4) Hoàn thành sớm việc phân bổ 2.000 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn cho vay đầu tư kiên cố hoá kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, trạm bơm điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và làng nghề ở nông thôn.

(5) Tổ chức hướng dẫn việc thực hiện mua sắm đối với khoản kinh phí năm 2011 đã được bố trí nguồn nhưng chưa sử dụng vì thực hiện theo quy định của Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và đã được chuyển sang năm 2012.

(6) Tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả, bảo đảm chất lượng và giá cả các mặt hàng thiết yếu. Ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương kiểm soát thị trường một cách hiệu quả.

(7) Trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung 50 tỷ đồng cho Bộ Công Thương để tăng cường xúc tiến thương mại hỗ trợ thị trường.

Để thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các giải pháp về tài chính – NSNN đã đề ra; việc miễn giảm, gia hạn thuế được thực hiện khẩn trương, đồng bộ, góp phần tháo gỡ một phần khó khăn về vốn cho doanh nghiệp; công tác giải ngân vốn đầu tư XDCB được đẩy nhanh; công tác quản lý, điều hành giá cả đã góp phần tích cực trong việc thực hiện kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường. Tình hình những kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhìn chung đã có khởi sắc hơn, theo báo cáo của Tổng cục Thuế, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 7 tháng đầu năm 2012 là 46.818 doanh nghiệp, trong đó, doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 42.349./.




Nguồn : gdt.gov.vn

Blog mang tính chất chia sẻ thông tin của tổng cục thuế. copy bài đã để lại nguồn.
Bài copy đã có chỉnh sửa cho phù hợp với blog, nội dung vẫn như cũ





Kế toán 247 - Kế toán Hà Nội
Công ty CP nghiên cứu và hỗ trợ Doanh Nghiệp Hà Nội
Cung cấp dịch vụ kế toán thuế - Đào tạo kế toán tổng hợp thực tế
trung tâm kế toán tphcm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài Xem Nhiều Nhất

Lưu trữ Blog

^ Back to Top
1
Bạn cần hỗ trợ?